Tiếp túc câu chuyện về „sự thông minh của cơ thể“, hôm nay mình hoãn chưa kể về câu chuyện thứ 3, mà tiếp tục với câu chuyện 1 của người bạn có cơ thể thông minh từ nhỏ (https://www.heartyourhealth.blog/post/cơ-thể-thông-minh-và-sự-kết-nối-thân-tâm). Vì hôm nay đọc cuốn sách „Trân trọng cơ thể - chìa khóa tránh xa ung thư“ của bác sỹ Takashi Funato, mình bất giác nhớ đến câu hỏi của người bạn hôm đó về giấc ngủ.
Bác sỹ Takashi Funato là bác sỹ ngoại khoa chuyên phẫu thuật cắt bỏ và điều trị ung thư, nhưng sau khi chính ông cũng mắc bệnh ung thư thận, ông đã thay đổi rất nhiều cái nhìn của mình về ung thư cũng như cách đối diện, cách ngăn ngừa sự „quay lại“ của căn bệnh. Ông đưa ra 5 điều chìa khóa khắc phục bệnh ung thư: 1. Cách ngủ; 2. Cách ăn uống; 3. Cách vận động; 4. Cách làm ấm và 5 là Cách cười. Ngay khi đọc về điều đầu tiên „Cách ngủ giúp ngăn ngừa ung thư“ mình nhớ đến câu hỏi của người bạn trong câu chuyện kia: „ Dạo gần đây cứ đến 11h tối là em buồn ngủ, và không làm được việc nữa, phải đi ngủ ngay, thế thì có vấn đề gì không chị?“ Rồi nghe mình hỏi thì em bảo nhưng em ngủ ngon, một mạch đến sáng sớm, 6h là dậy. Chỉ còn có thể thốt lên: "Ôi, thế là quá tuyệt rồi, cơ thể em thông minh và „yêu cầu“ trí não của em đi ngủ đúng giờ vàng cần thiết rồi".
Cho đến hôm nay, khi đọc phần viết của bác sỹ Funato về „Cách ngủ“, mình mới càng thấy cơ thể người bạn đó „yêu cầu“ quá chuẩn. Theo ông, hầu hết những bệnh nhân ung thư của ông cho đến nay đều thực sự thiếu ngủ và ông cũng không là ngoại lệ. Thời gian để cơ thể chữa lành là trong lúc ngủ. Nếu bạn ngủ một giấc ngon lành, khả năng miễn dịch sẽ hoạt động và cơ thể bạn sẽ tự chữa lành ngay cả khi bạn không định chữa bệnh. Ông quan niệm rằng „Ung thư không phải thứ cần loại bỏ mà là thứ SẼ BIẾN MẤT“, vì vậy bạn nên làm mọi thứ để hỗ trợ cơ thể mình tự chữa lành: ung thư sẽ biến mất trong khi bạn ngủ. Đây cũng là lúc các hormone sửa chữa được giải phóng, các tế bào, mô bị tổn thương vào ban ngày sẽ được chữa lành trong giấc ngủ. Vì vậy có lẽ chúng ta phải học cách xem lại công việc và cách quản lý thời gian của mình khi con người đều có xu hướng "làm thêm một chút rồi ngủ" hay "làm xong rồi ngủ".
Ông đề xuất một giấc ngủ đầy đủ là từ 22h đến 6h sáng (10-6) và tránh xa các thiết bị điện thoại máy tính trước khi ngủ 90 phút. Điều này khó! Thật sự mình nghĩ ngay như vậy khi quan sát thói quen lối sinh hoạt của mình và đa số mọi người xung quanh trong thời đại này, chưa kể đối với một số ngành nghề công việc ca kíp thì là không thể. Nhưng ngẫm lại trong cuộc sống khi chúng ta đặt điều gì là quan trọng, thì sẽ luôn có cách "giúp" bản thân thực hiện bạn ạ: nếu "đặt tâm và mong muốn vào sức khỏe" của bản thân, chúng ta đều có thể sắp xếp lại và thay đổi. À, và đừng quên nếu như bạn đang không bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư, không có nghĩa là bạn không cần "ngủ đúng" :). Vì một thực tế có thể khiến bạn giật mình là chúng ta ai cũng có tế bào ung thư trong cơ thể, chỉ là chúng ta lựa chọn lối sống ủng hộ tế bào ung thư phát triển hay ủng hộ khả năng chữa lành tự nhiên của cơ thể mà thôi.
Tự bản thân mình thấy hoàn toàn có thể có một giấc ngủ "hoàn hảo" như vậy mỗi ngày khi ở Việt Nam. Có lẽ vì thời tiết Việt Nam nóng, dễ dậy sớm hơn, vì nhà mình ở ngoài trung tâm thành phố nên cũng dễ ngủ sớm hơn và vì đơn giản là nếu thức dậy vào 6h sáng, làm việc, gặp gỡ mọi người suốt cả ngày, thì đến 10h tối bạn sẽ tự động "díp cả mắt". Vì vậy khi quay lại châu Âu, mình đang bắt đầu "rèn luyện" thói quen ngủ trước 11h-11h30 và rời xa máy tính điện thoại trước khi ngủ 30-45 phút. Thay vì xem phim hay lướt điện thoại trước khi ngủ, mình chuyển sang đọc sách và thực hiện các bài tập thở hàng ngày.
Ngoài ra để có giấc ngủ ngon, hãy loại bỏ những tác nhân gây trở ngại cho giấc ngủ: công việc, lo âu và đau đớn. Sẽ khó tránh khỏi việc chúng ta muốn đi ngủ nhưng vì căng thẳng hay lo nghĩ mà "trằn trọc" thì mọi người hãy thay việc "xem tivi, điện thoải cho mỏi mắt" để dễ ngủ bằng việc uống một ly trà cúc, đốt tinh dầu oải hương hay nghe chút nhạc, mát xa hai bàn chân hoặc ngồi thở tĩnh và tìm đến huyệt thần môn hỗ trợ an thần như trong bài viết trước của mình:
Mùi hương của oải hương (lavender) giúp an thần, giải tỏa căng thẳng, lo âu - một cách nhẹ nhàng tích cực hỗ trợ giấc ngủ.
Đối với một số người làm việc hiệu suất, có thể nghĩ ngủ là lãng phí thời gian, và vô ích nhưng nếu bạn biết cơ thể chúng ta cần giấc ngủ ngon để "làm việc" chữa lành thì bạn sẽ thấy rất có ích khi có thể "ngủ ngon". Nếu bạn bị mất ngủ, hãy tìm mọi cách và kiên trì để tìm lại cho mình một giấc ngủ đúng nghĩa, vì nó vô cùng quan trọng với sức khỏe tinh thần và vật lý của mỗi chúng ta.
Bác sỹ Funato cũng có bổ sung đối với những bệnh nhân đang điều trị ung thư sẽ có một tâm lí khó đi vào giấc ngủ hơn. Họ luôn có những câu hỏi thường trực đầy lo âu và hối hận. Nhưng ông đã viết rất đúng "Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài sống hết mình cho hiện tại và tận hưởng nó. Ta là kết quả của lối sống này, của quá khứ đã kết thúc và một tương lai sắp bắt đầu". Vì vậy chúng ta hãy cứ tin "Đời loài người này ngắn lắm, tứ chi ai ôm hết âu lo....nên ta cứ sống vui đi vì hôm nay là món quà". Hãy quan tâm đến sức khỏe của bản thân hôm nay hơn một chút, để ngày mai bạn sẽ cám ơn vì điều đó :)
Comments